Mục Lục
Bông Điên Điển Và Hình Ảnh Miền Tây Sông Nước
Bông điên điển có nguồn gốc từ đâu? Sao cái tên nghe lạ lạ vậy? Người miền tây cũng không biết rõ nữa. Nhưng cứ mỗi mùa con nước về thì những bụi điên điển sau hè cứ như bừng tỉnh giấc. Những chùm bông điên điển vàng óng, thả mình trong nắng chiều. Hình ảnh ấy làm sao xuyến biết bao thế hệ người miệt thứ quê tui.
Hình ảnh bông điên điển trong văn hóa nam bộ
Điên điển vốn là thứ dễ trồng, cứ lấy một đoạn thân cây cắm vào đất ướt. Tầm vài ngày sau thì kiểu gì nó cũng phóng chồi non, xanh mướt. Vậy nên ở xứ Đồng Tháp Mười quê tui nhà nào cũng có cả hàng rào điên điên xanh mướt cả. Hay men theo những bờ ao, bờ ruộng, mé kênh…là những nơi mà loại cây này hay mọc dại. Người dân để giữ đất nên dưỡng luôn những bụi điên điển xanh um này. Ấy thế mới thấy, điên điển cứ như người bạn vậy, từ nhà ra tới ruộng, đi đâu cũng bắt gặp loại cây này.
Rồi mùa nước về, hàng rào điên điển trước nhà như bừng tỉnh giấc. Những chùm bông điên điển óng ả, vàng ươm treo mình đón nắng mới. Ngoài mé kênh, bông điên điển rọi mình dưới mặt nước tĩnh lặng mới đẹp làm sao. Ngoài đồng là cả một màu vàng điên điển sáng cả một vùng trời. Đấy mới thấy cái loài hoa hoang dại này đã tô đẹp cho bức tranh miền sông nước thêm phần tươi tắn như thế nào?
Mà nếu chỉ có cái thân quen với vẻ đẹp thơ ngây hiền dịu, của loài hoa này thôi thì người miền tây đâu đặt cho nó cái danh xưng ” Hoa khôi mùa nước nổi “. Chắc ai ai cũng đã từng nghe qua mùa nước nổi miền tây nó sôi nổi như thế nào. Người miền tây trông chờ mùa nước về với bao nhiêu cá, tôm, của ngon, vật lạ…
Những con cá linh đầu mua còn non nên xương mềm và béo ngậy. Các bà, các mẹ tranh thủ buổi đi đồng về sớm làm nồi nước lẩu thật thơm. Cho mớ cá linh đã làm sạch vào. Mùi thơm cả cá linh đầu mùa lan tỏa cả gian bếp. Mà nếu thiếu mớ bông điên điển thì xem như nồi lẩu cá linh chưa thật trọn vị. Cái giòn khấu, ngọt thanh của loài hoa này hòa quyện với cái béo của cá linh non mới làm say đắm lòng người. Bởi vậy, nếu nói đến mùa nước lũ miền tây thì phải kể đến “ lẩu cá linh nấu bông điên điển” . Ngoài ra dùng xào tép bạc, chấm cá kho lạt…thì loại hoa này đều đem đến cái hương vị thật vấn vương.
Rồi thanh mai, trúc mã cứ mỗi lúc hẹn hò đều rủ nhau ra mé sông. Những lúc say xưa trong men tình đều dưới tán điên điển vàng ươm. Rồi đâu phải cuộc tình nào cũng trọn vẹn, chia tay rồi chỉ còn lại hàng điên điển quạnh hiu. Những lời yêu thương hay trách cứ trở thành những bài thơ, câu hát mà các đôi trẻ dành cho nhau. Mà những lời thơ, câu hát lại mượn cái hình ảnh bông điển điển thân quen để nhắn nhủ đến người thương.
Bài hát ” Bông Điên Điển ” của Hà Phương do cố ca sĩ Phi Nhung thể hiện
Các món ăn ngon từ bông điên điển
Nếu có dịp về miền tây chơi thì bà con nên chọn thời điểm mùa nước nổi. Đây mới chính là thời điểm bạn tận hưởng đầy đủ cuộc sống, hơi thở của xứ bưng biền này. Lúc này bạn cũng dễ được thưởng thức những mon ngon trứ danh được chế biến với loài dại này.
Lẩu cá linh nấu bông điên điển
Về miền tây nếu chưa ăn lẩu cá linh nấu bông điên điển thì đừng nói với ai là mình đã đến miền tây nhé. Vì kiểu gì cũng họ cũng hỏi về mòn đặc sản trứ danh này.
Giữa cái mênh mông của sông nước, nổi lầu cá linh sôi sùng sục lan tỏa mùi thơm nức mũi. Những con cá linh đầu mua béo múp, trăng trẻo được làm bày biện khá đẹp mắt. Kế bên là đĩa bông điên điển mới hái còn giòn khấu. Điểm thêm vài cộng bông súng thật đẹp mắt. Mới nhìn thôi là bà con đã cảm cơn thèm ăn kéo đến rồi.
Cho đĩa cá linh vào trước, chờ nước sôi rồi cho điên điển, bông súng vào sau. Cái hương thơm cứ thế ngào ngạt bay xa cả đất trời. Cho con cá linh chấm ít mắm mần với ớt cắt nhuyễn, đưa lên miệng thưởng thức. Vớt mớ điên điển, bông súng cho vào chén rồi thêm muỗng nước lẩu. Mọi thứ lo toan thường nhật dần tan biến. Chỉ còn lại cứ hương vị đậm đà của món đặc sản này từ từ tan dần trong cuốn họng.
Bông điên điển xào tép bạc
Hôm nào cao hứng đột xuất mà chưa kịp bày biện gì thì đĩa bông điên điên xào tép là đủ. Tranh thủ buổi đi đồng đem lờ đặt ngoài mé ruộng. Cuối buổi chiều thì kiểu gì cũng được kha khá tép bạc, có khi còn có ít cá chốt, cá rô. Sẵn đường về ghé hái mớ bông điên điển đang đong đưa theo gió nhẹ. Về đưa cho mẹ xấp nhỏ là anh em có cái nhâm nhi bàn về đủ chuyện trên đời.
Con tép bạc đầu mùa giòn khấu, ngọt thịt. Thêm cái vị ngọt thanh pha chút chan chát của điên điển sẽ đánh thức mọi giác quan trong bạn.
Bún cá
Nếu hai món trên bà con phải ghé vào khu du lịch hoặc được người bản xứ chiêu đãi. Thì bún cá là dạng ” món ăn đường phố ” cực kỳ phổ biến ở vùng miệt thứ này. Bún cá là sự kết hợp tuyệt vời của nhũng thứ mà con nước ban tặng cho con người nơi đây. Dưới tài biến tấu tài tình của những người Khmer mà hương vị của nó đã chinh phục được người Việt mình.
Con cá lóc đồng, bông điên điển, ít ngải bùn, ít nghệ cùng những gia vị đặc trưng, người đầu bếp sẽ cho bạn một hương vị tuy dân dã mà đầy lôi cuống.
Một số tác dụng tuyệt vời của bông điển đối với sức khỏe
Điên Điển có nơi còn gọi là Điền Thanh Tía, Điền Thanh Bụi. Loại cây này có tên khoa học là Sesbinia Sesban, thuộc họ đậu. Theo các tài liệu y khoa ghi chép, tất cả các bộ phận của cây điên điển đều có tác dụng tốt cho sức khỏe.
- Chữa dời leo ( Zona ): Dùng đọt non lá điên điển giã nhuyễn, thêm chút muối để đắp lên vết dời leo. Đắp 1-2 ngày thì sẽ mau khô vết thương.
- Mụn nhọt, vết thương ung mủ: Lá cây điên điển có khả năng giảm viêm, tiêu sưng. Vì vậy bà con thường dùng lá cây điên điển giã nhuyễn để đắp lên vết thương.
- Tẩy xổ giun, sáng: Dùng lá cây phơi khô, nấu nướng uống.
- Bài thuốc bổ tim dân gian: Bông điên điển bỏ cuống, chưng cách thủy với đường phèn. Uống mỗi ngày.
Có thể thấy bông điên điển tưởng là một loài hoa dại. Nhưng nó thật sư như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người miền tây quê tôi.
Bài viết liên quan: