Mục Lục
Hẹ Nước – Thứ Rau Dại ” Trời Ban ” Cho Xứ Đồng Tháp Mười
Chẳng thấy bông hay trái nhưng cứ mùa con nước về thì hẹ nước lại phủ xanh cả những cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười. Thứ rau dại này được dân bản xứ xem như sản vật ” Trời Ban ” cho vùng đất nhiễm phèn này. Những lá hẹ tươi xanh mơn mởn, xốp và ngọt chấm với nồi mắm kho thì còn gì bằng.
Hẹ Nước Miền Tây Có Gì Độc Đáo
Nếu không phải là dân miền tây thì cái tên ” Hẹ Nước ” sẽ khiến nhiều người tò mò vì lần đầu nghe thấy. Tuy nhiên cái tên ấy đơn giản chỉ là để phân biệt với cây hẹ sống trên cạn mà thôi.
Cây hẹ nước là một loại thực vật thủy sinh. Sống được cả ở môi trường nước ngọt và nước lợ nhiễm phèn. Hình dáng chúng tương tự như những bụi cỏ, có lá dài. Chúng sinh sôi nhiều nhất là vào mùa nước nổi ở vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một loại rau dại rất được người miền tây ưa chuộng trong các bữa ăn. Nhất là chấm mắm kho, lẩu vì hương vị thanh mát của nó. Thứ ra dại này đặc biệt là sinh trưởng hoàn toàn nhờ tự nhiên, có muốn trồng cũng không được. Vì vậy mà dân miền tây gọi nó là sản vật ” Trời ban “, tương tự như cây năn bộp vậy.
Sau những cơn mưa đầu mùa tháng 6, báo hiệu con nước sắp về. Những cánh đồng lâu nay nhiễm phèn hoang hóa của vùng Đồng Tháp Mười bắt đầu được bao phủ bởi những chồi xanh. Con nước dâng lên tới đâu thì đám hẹ nước cũng cao lên tới đó. Chúng còn bao phủ cả những con kênh, mươn. Nơi nào có dòng nước chảy mạnh thì thường hẹ nước sẽ tươi tốt hơn và ăn cũng ngon hơn.
Khi con nước về nhiều hơn một xíu, tụi nhỏ bắt đầu ra ruộng nhổ những bụi ” cỏ ” này về chấm mắm kho. Thế là mùa thu hoạch ” Lộc Trời – hẹ nước ” bắt đầu với bà con nơi đây. Thu hoạch hẹ nước cũng chẳng cần nông cụ gì nhiều, chỉ cần vài cái thau nhôm hay nhựa là được. Tuy nhiên bà con phải ngâm mình cả ngày dưới nước mới thu hoạch được loài ra thủy sinh này. Chỉ cần tìm thấy được đám hẹ, dùng tay nấm lấy gốc lắc nhẹ là nhổ được nguyên bụi. Sau đó được gom thành đồng rồi đem sơ chế. Bà con phải bỏ năm đến bảy lá già dưới cùng và phần rễ. Phần còn lại là những nhánh hẹ nước trắng nõn phần đuôi và xanh mướt phần lá rất bắt mắt.
Một ngày mội người dân có thể nhổ được từ vài chục đến cả trăm ký lộc trời này. Mỗi kg bán cũng được 10.000đ-15.000đ nên thu nhập cũng rất khá.
Hẹ Nước Làm Món Gì Ngon
Ẩm thực miền tây đặc trưng bởi sự giản dị như chính cái tính cách của con người xứ này vậy. Cá dưới ao, rau sau hè là đủ cho một bữa cơm thật thịnh soạn rồi.
Về miền tây mùa nước nổi có đủ thứ sản vật bà con nhất định phải thử. Như lẩu cá linh bông điển điển, chuột đồng nướng lu…và mắm kho nữa nhé. Bên cạnh nồi mắm kho của người miền tây nhất định phải có một rổ rau đồng to tướng. Nào là cù nèo, ngó sen, lục bình…và nhất định phải kèm mớ hẹ nước xanh mọng nữa mới ngon. Hẹ nước chấm mắm kho đem tới cho người thưởng thức cái vị thanh mát của rau hẹ, cái mùi mắm đặc trung và cái thơm, béo của cá…Tất cả hòa quyện làm cho ta cảm giác như yêu cái đất trời vùng Đồng Tháp Mười này nhiều hơn.
Hay những bữa cơm chiều giản đơn với thố cá kho tộ liu riu nước. Kế bên cũng phải có thêm mớ hẹ nước chấm mới đã thèm. Nói chung hẹ nước được dùng ăn kèm lẩu, chấm nước các món kho là bá cháy.
Những Tác Dụng Khác Của Hẹ Nước
Theo Báo Tuổi Trẻ, Hẹ nước trong đông y còn gọi là Trạch Tả. Nó có tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi niệu. Hẹ nước được dùng trong các bài thuốc phù thủng do thận. Ho do viên họng và các bài thuốc giúp mát gan, lợi tiểu.
Bài viết trên dựa vào hiểu biết của cá nhân Trúc. Nếu bà con mình cảm thấy có những điểm nào chưa đúng thì cứ vui lòng cho em biết để chỉnh sửa nhé. Hi vọng bà con có được những thông tin bổ ích thông qua bài viết và website này.
Bài viết liên quan: